Nhận xét Bùi Hiển

  • Trong Lược sử văn học Việt Nam, nhà nghiên cứu Thế Phong đã nhận định về truyện ngắn trước 1945 của Bùi Hiển như sau: Truyện ngắn trước tiền chiến của ông có tính cách địa phương, viết rặt hình ảnh quê hương nơi ông sinh trưởng, cho nên Vũ Ngọc Phan cho rằng đọc Nằm vạ của Bùi Hiển âm hưởng như Eugène Roy của Pháp, tả người dân quê miền Nantes, những nét đậm đà như Chateaubriand viết La Brière hoặc Joseph de Pesquidoux trong Chez nous sur la glèbe.[1]
  • Nhà văn Thạch Lam: “Lối viết của ông giản dị và mạnh mẽ, thoáng qua một chút duyên kín đáo, và có nhiều nhận xét tinh vi. Đó là một bức tranh có giá trị về cảnh sinh hoạt trong làng xóm.”
  • Phó giáo sư Nguyễn Văn Long: "Bùi Hiển tiếp cận hiện thực với cách phát hiện riêng, không chói lòa rực rỡ, không phải bằng cảm hứng sử thi hào hùng mà ông ca ngợi phẩm chất con người trong mạch sống bền bỉ, âm thầm, luôn nhạy cảm trong cảnh ngộ éo le, nỗi đau oan trái. Ta thấy tác phẩm của ông dường như có vẻ lạc giọng theo dòng chính (âm hưởng anh hùng ca thời đại) mà theo mạch ngầm, theo âm trầm nốt lặng trong bản hợp ca hào hùng thời chiến tranh”.
  • Phó Giáo sư Bích Thu: “Một nhà văn sống lặng lẽ, khiêm nhường mà tác phẩm lại luôn nổi bật, luôn hiện diện song hành với thời gian và người đọc, văn ông “không chịu nghiêng theo độ dốc tuổi tác”. Các truyện ngắn của ông từ thập niên bốn mươi đến những năm chín mươi của thế kỷ trước “văn không bị một nếp nhăn nào” hoặc nói như nhà văn Ma Văn Kháng: Vẫn là những truyện ngắn hay của ngày hôm nay, hiện đại, không hề xưa cũ”.
  • Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Là một người am hiểu Hán học và Tây học, suốt đời gắn bó với nhân dân, nhà văn Bùi Hiển là tinh hoa của vùng đất giàu truyền thống yêu nước và hiếu học…đem hết tài năng và tâm huyết nhằm “đánh thức cái lương tri, thiên lương sẵn có ở mỗi con người”.

Năm 1958, ông viết truyện ngắn Ngày công đầu tiên của cu Tí để cổ vũ cho phong trào hợp tác xã. Truyện ngắn này được sử dụng trong giáo trình văn học phổ thông tại miền Bắc và cả nước Việt Nam trong nhiều năm.